Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) vừa công bố khảo sát về thực trạng hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam.
Theo kết quả khảo sát, tại Việt Nam, tỷ lệ doanh nghiệp trả lời "có lãi" chiếm 65,3%. Tỷ lệ có lãi đối với những doanh nghiệp thành lập trước năm 2010 ổn định ở mức trên 80%, điều đó cho thấy việc đầu tư lâu dài thì có lãi.
"Với khoảng 70% doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam có phương châm mở rộng kinh doanh, so với các nước khác khả năng mong muốn tiếp tục mở rộng là tương đối cao. Ngay cả đối với các doanh nghiệp thành lập trước năm 2010, cũng có 67,1% cho biết có phương án mở rộng. Điều này cho thấy Việt Nam tiếp tục là điểm đến đầu tư quan trọng.
Lý do chính của việc mở rộng kinh doanh là để tăng doanh thu và kỳ vọng vào khả năng tăng trưởng cao, tiềm năng cao", JETRO nhận định.
Về lợi thế môi trường đầu tư, các doanh nghiệp Nhật Bản cũng đánh giá quy mô thị trường, khả năng tăng trưởng là lợi thế lớn nhất, tiếp đó là chi phí nhân công rẻ.
Tuy vậy, kết quả khảo sát cũng cho thấy, các doanh nghiệp Nhật Bản quan ngại về hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, vận hành không rõ ràng (tỷ lệ 48,2%), tăng lương nhân viên (50%), khó khăn trong thu mua nguyên liệu, phụ kiện, quản lý chất lượng. Cơ chế, thủ tục thuế phức tạp, thường xuyên thay đổi, chưa có chính sách rõ ràng phát triển công nghiệp ôtô, thuế chuyển nhượng giá, thuế thu nhập cá nhân... Đây là những tiêu chí mà doanh nghiệp Nhật Bản cho là yếu tố rủi ro khi kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam.
JETRO cho biết, tỷ lệ nội địa hoá của Việt Nam đã đạt 36,5%, cao nhất trong số các quốc gia là đối tượng khảo sát. Kể từ năm 2010, hàng năm tỷ lệ nội địa hoá đều gia tăng dần, tuy nhiên nếu so với Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia thì vẫn ở mức thấp. So với các nước khác thì tỷ lệ mua từ các nước khác (ngoài doanh nghiệp Việt, Nhật Bản) khá cao, nhưng nhìn lại con số mua từ doanh nghiệp nội địa của Việt Nam 10 năm trở lại đây với tỷ lệ 14,4% là thấp và các doanh nghiệp nội địa của Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để cải thiện điều này.
Về tình hình xuất khẩu, tỷ lệ doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam "xuất khẩu 100%" của Việt Nam so với các năm trước đó có xu hướng thu hẹp và chuyển dịch sang hình thức tiêu thụ nội địa.
Tỷ lệ áp dụng các hiệp định thương mại tự do của các doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam đạt 47,5%.
Các doanh nghiệp Nhật cho rằng tỷ lệ tăng lương tối thiểu của Việt Nam theo kế hoạch năm 2019 là 7,1%, dù chi phí nhân công thấp nhưng chi phí nhân công trong công nghiệp chế tạo thì tăng khá nhanh, các ngành công nghiệp phi chế tạo còn tăng cao vượt Indonesia. Mức phí nhân công cho cả ngành công nghiệp chế tạo và phi chế tạo đều đang dần rút ngắn khoảng cách so với các nước tiên tiến.
Xu hướng ứng dụng công nghệ liên quan đến Internet kết nối vạn vật (IoT) đang ngày càng được các doanh nghiệp Nhật lựa chọn cũng là một vấn đề cần quan tâm phát triển.
Tính lũy kế đến ngày 20/2/2019, cả nước có 27.900 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 344,9 tỷ USD. Trong đó, nhà đầu tư Nhật Bản đứng thứ hai với 56,7 tỷ USD (chiếm 16,4% tổng vốn đầu tư), chỉ sau Hàn Quốc.
Dịch vụ liên quan